Khánh Ly

Bà Dao Ánh xuất hiện khi sắp tới ngày kỷ niệm 10 năm ra đi của Trịnh Công Sơn. Không biết những lá thư ông viết cho Dao Ánh bây giờ in thành sách bán có chạy không. Không biết sinh thời Trịnh Công Sơn có làm cho ai hạnh phúc. Nhưng, khi chết có vẻ như ông đã làm cho nhiều người rưng rức khi họ nói đến những ngày đã được ông yêu.

Báo chí Sài Gòn nói về các “Diễm” của Trịnh Công Sơn cũng đúng thôi. Công chúng có lý do để tiếp cận với ông từ những khía cạnh có vẻ như con người nhất. Có lẽ cũng nên cám ơn những người phụ nữ có thể đã làm hay lên những ca khúc của ông. Nhưng, có một người phụ nữ nếu không nhắc tới khi nói về sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ, sẽ là một thiếu sót thuộc về phạm trù đạo đức. Người phụ nữ đó là Khánh Ly.

Tôi hiểu lý do báo chí Thành phố không nói tới Khánh Ly. Năm 1997, bà đã từng làm cho chúng tôi khốn đốn. Lúc ấy, trên tờ Tuổi Trẻ, Tuấn Khanh có bài báo nói rằng: “Khánh Ly là người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất”. Phản ứng đầu tiên không phải là chính trị mà là những giọt nước mắt của một ca sỹ nghe nói đang là một “bống của Sơn”. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn điện thoại cho một nhà văn khi ấy đang là biên tập viên của tờ Tuổi Trẻ-hình như ông chỉ than “nói chi vậy”.

Nghe nói khi sang Mỹ, Khánh Ly có phát biểu và hát những bài “chống cộng”. Đụng chạm tới “cộng” thì trong tờ Tuổi Trẻ khi ấy có đủ hồng vệ binh để lập ra cả một thành trì. Những cuộc giao ban nội dung không còn nói chuyện âm nhạc, các phóng viên được yêu cầu “đứng trên lập trường của một tờ báo Đoàn” để phê phán tính “khách quan tiểu tư sản” khi khen ngợi một ca sỹ hải ngoại bấy giờ được coi là “phản động”.

Những cuộc kiểm điểm này đã như một giọt nước để một nhóm phóng viên đã phải rời Tuổi Trẻ trong nước mắt như: Tuấn Khanh, Huỳnh Thanh Diệu, Đỗ Trung Quân…

Sau đó ít lâu, tôi cùng một vài anh em tới nhà Trịnh Công Sơn nhân Bùi Công Duy vừa vinh quy từ Nga. Tôi có hỏi ông: “Sao anh lại phản ứng khi báo Tuổi Trẻ nói Khánh Ly là người hát nhạc của anh hay nhất?”. Trịnh Công Sơn cười: “Đương nhiên là Khánh Ly hát hay nhất. Nhưng, cô ấy đang ở bên kia, các em nó ở đây. Khánh Ly thì không còn cần ai khen trong khi các em nó nghe, buồn. Tội”.

Tôi “biết” Trịnh Công Sơn khi gặp Trần Ngọc Phong ở trường sỹ quan. Trong cuốn sổ lưu bút của Phong, có tấm hình anh chụp chung với “chú Sơn” và một trang viết rất tình cảm mà “chú Sơn” dành cho chàng trai 19 trước ngày lên đường ra Biên giới. Trong thời gian tôi lưu lại Sài Gòn trước khi sang chiến trường Campuchia, tôi không rời chiếc máy cassette 2 cửa băng màu đỏ của nhà Phong. Ba Phong, nhà văn Trần Công Tấn, cũng thường xuyên nghe nhạc Trịnh qua giọng ca Khánh Ly. Trong máy của ông luôn luôn có băng nhạc “Sơn Ca số 7”. Tôi mang theo “Sơn Ca số 7” và giữ nó cho tới ngày rút quân khỏi Campuchia.

Về sau, tôi ráng nghe những người phụ nữ khác hát nhạc Trịnh Công Sơn. Công nhận, rất nhiều người có thể hát nhạc của ông. Nhưng, Khánh Ly đã đặt một chuẩn mực mà có thể sẽ không còn ai chạm tới. Lâu rồi tôi không còn nghe “Trịnh”. Thỉnh thoảng-trên xe, trong quán café-tình cờ nghe giọng Khánh Ly; tôi tự hỏi, nếu như thập niên 1960s mà không có nữ ca sỹ tài năng này, liệu sự nghiệp của Trịnh Công Sơn có đi được vào lòng người như thế.

Huy Đức

Post a comment or leave a trackback: Trackback URL.

Bình luận

  • Dangoc  On Tháng Hai 6, 2012 at 7:51 chiều

    tôi hoàn toàn đồng ý với câu hỏi của anh. Và không riêng gì tôi mà rất rất nhiều người miền Nam lẩn miền Bắc đều có ý nghĩ như vậy….nhưng nhạc Trinh bây giờ đã trở thành thời thượng để cho nhiều loại người khoe rằng mình là người thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn, với người giàu có và chức quyền thì việc khoe mình thích nhạc Trịnh thì đồng nghĩa với đẳng cấp sàng-điệu vì nghe nhạc sang, lớp doanh-nhân khi khoe mình nghe nhạc Trinh thì được tiếng là con buôn trí-thức..ở Việt Nam mình người người tự nhận mình là Fan nghe nhạc Trịnh, ca sỹ thì ai cũng ra một album nhạc Trịnh, cac chương trình show ca nhạc thì thi nhau làm show nhạc Trịnh…

  • người PHẬT TÍCH  On Tháng Hai 19, 2012 at 3:45 sáng

    …..Đầu năm 1975 ông anh tôi từ Tân sơn nhất ra cho tôi một món quà vô giá : đó là một cái casset cục gạch,3 cái băng, trong đó có một cái là sơn ca7. Nhưng đặc biệt hơn là một tập bài hát với tựa đề “Như cánh vạc bay”, trang đầu tiên là bức họa về một thiếu nữ ngồi trên ghế đá, mặt hướng xa xăm, phía những rừng cây, tóc bay theo gió, giữa những giọt mưa. Phía dưới là dòng chữ xiêu vẹo “Hình như tôi thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa…” & ký Trịnh công Sơn. Tôi chỉ có thể tả về bức họa đến thế thôi dẫu biết rằng trong đó còn hiển hiện sâu thẳm của lãng mạn. Từ đó Khánh Ly với Trịnh công Sơn là một phần lãng mạn trong tim tôi tới tận bây giờ. Tôi đòng ý với anh : Khánh Ly đã đặt một chuẩn mực trong việc hát nhạc Trịnh. Nhưng với tôi nhạc Trịnh còn có một cái nền, mà người tạo ra cái nền ấy, không ai khác đó là chị Lan Ngọc. Dẫu biết Khánh Ly hát nhạc Trịnh là đỉnh. Đã nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh rồi mà không nghe Lan Ngọc hát nữa thì không khác gì đời chỉ có vợ mà không có người tình. Đằm & thẳm nhất là khi nghe Lan Ngọc ca “Cát bụi” trong đám tang Trịnh công Sơn. Đặc biệt năm kia nghe Khánh Ly ca ” Hai mươi năm, xin trả nợ người” trong tiết mục “những lá thư của Trịnh công Sơn gởi Dao Ánh”, Mới thấy hình như số trời đã định nhạc Trịnh là giành cho Khánh Ly ca. Khi đã nghe Khánh Ly & Lan Ngọc hát nhạc Trịnh rồi thì đên bống hay bang cũng chỉ là con tép. Mọi tiếng hát khác chỉ còn là giả cầy. Bởi vì không ai có thể hát được toàn bộ nhạc Trịnh như Khánh Ly & Lan Ngọc…

    • NGOC  On Tháng Ba 14, 2012 at 6:05 chiều

      tôi hoàn đồng-ý với những nhận-định và cảm nhận của anh về những giọng ca đã từng là những cái đỉnh của đỉnh khi trình bày ca khúc họ Trịnh như nữ ca sỹ Khanh Ly và nữ ca sỹ Lan Ngọc như anh đã nói…Riêng Khánh Ly vẫn là một giọng ca được sinh ra để hát và đưa nhạc Trịnh đến với người nghe….thật sự nghe Khánh Ly hát từng lời từng chữ đều như nhập hồn với ý tưởng của tác giả..thật tuyệt vời…Cám ơn anh đã trả lời ý kiến nhỏ mọn của tôi. Xin CÁM ƠN

  • Tầm Hoan  On Tháng Ba 3, 2012 at 10:53 sáng

    Theo tôi Khánh Ly là người hát nhạc TCS hay nhất không có người hay nhì ngoại trừ vài bản Lệ Thu, Thái Thanh, Lan Ngọc hát cũng rất hay. Hồng Nhung hát nhạc Trịnh thú thật là nghe không “Trịnh” chút nào.TCS là dân trường tây khi yêu luôn lịch sự và nịnh đầm. Dồng ý là không có Khánh Ly hát thì TCS không nổi tiếng và nhạc không đi được vào lòng người như thế. Không Khánh Ly, TCS cũng nổi tiếng nhưng cỡ như Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng là cùng.

  • nhu  On Tháng Tư 26, 2012 at 7:46 sáng

    Tình cờ đọc được bài này của Osin, thấy hay quá. Hay vì nói đúng ý mình quá.

  • Hồ Hoàng  On Tháng Năm 30, 2012 at 8:27 sáng

    Tôi là một ke mù tịt về nhạc nhưng thích nghe hát. Ngày nào tôi cũng nghe nhạc Trịnh và chỉ nghe Khánh Ly hát. Có lẽ tôi cực đoan nhưng tôi không thể nào nghe người khác hát nhạc Trịnh được mặc dù đã cố gắng. Lạ quá. Tôi thường nghĩ: Thời nay và mãi mãi về sau không ai còn hát được Trịnh Công Sơn

    • ngoc  On Tháng Chín 24, 2012 at 8:03 sáng

      đa số người nhạc Trịnh đều có một cảm nhận gần gióng như anh, giọng Khánh Ly rất đặc biệt nhất là khi trình diễn nhạc Trịnh. Và có lẻ giọng hát này sẽ được còn nhắc đên cả trăm năm sau khi người ta còn nghe nhạc Trịnh. Tuy vậy nhạc TRỊNH thì hay vì có nhiều yếu tố khiến người ta yêu mến nhạc của ông, nhưng nếu xét theo một khía cạnh nào đó thì nhạc Trịnh gây u-mê mơ hồ cho người nghe. và chính cuộc sống riêng tư của Trịnh cộng Sơn cũng có nhiều vấn đề không đẹp như nhạc của ông ấy…với vai trò và tầm ảnh hưởng của mình Trịnh công sơn đã không làm thêm được điều gì cho tình trạng suy kiệt hổm loạn của dân tộc. ông bằng lòng với cách sống thủ phận để hưởng được sự ưu đãi đặc biệt của chế độ. Bỏ quên hoặc cố tình giả ngơ trước bao nhiêu đau khổ của người dân…Vài lời chia sẽ với người cũng yêu mến nhạc trịnh và giọng ca của Khanh Ly như tôi

  • trang  On Tháng Mười Hai 18, 2012 at 1:05 chiều

    Cảm ơn bài viết của tác giả. Và với riêng tôi,nhạc Trịnh nghe hay và thấm thía sâu sắc khi được nghe qua giọng của cô Khánh Ly.

  • Son  On Tháng Mười Hai 20, 2012 at 10:45 chiều

    Ông già tôi khi còn sống trong lúc vui đã kể cho tôi nghe một chuyện như sau, sau năm 75 nhạc sĩ Văn Cao từ miền Bắc vào thăm Sài Gòn-có lẽ nhà nước tổ chức gì đó (Nghe nói nhạc sĩ bất hủ với nhũng ca khúc bất hủ nhạc lãng mạn và cách mạng này sau 54 ở miền Bắc đảm nhiện công tác sau cánh gà hay kéo cánh gà gì đó phục vụ cho các văn nghệ sĩ tuyên truền cổ động mà thôi), khi đó các văn nghệ sĩ cách mạng của chế độ mới sau 75 mang cờ hoa ra đón ông rất long trọng, khi ông gặp mặt đoàn văn nghệ sĩ này câu đầu tiên ông nói “Thằng Sơn đâu ?” ………..chưng hửng…….

  • Thu Hồng Trần  On Tháng Mười Hai 29, 2012 at 8:31 chiều

    Nhung ngược lại không có Trịnh thì cũng ít ngu7oi2 biết Khánh Ly

Trackbacks

Gửi phản hồi cho Thu Hồng Trần Hủy trả lời