Tag Archives: Mồ Côi Mẹ

Mồ Côi Mẹ

Đưa mẹ lên nghĩa trang về, cha tôi gọi vào nhà giao cho tôi mấy tấm hình của bà. Cũng có thể đoán biết điều gì đang diễn ra trong lòng ông. Mấy hôm, con cái lo cho mẹ nhưng ai cũng nhớ để mắt tới cha già. Chắc ông biết nên giữ bề ngoài bình thường, sáng vẫn đi vài bài quyền để lấy sức ngồi tiếp khách. Mẹ tôi bệnh đã lâu, ra đi ở tuổi 85, ông nói: “Như thế là giải thoát cho mẹ các con”. Nhưng, mất người vợ trẻ và chịu góa bụa ở tuổi 98, chiều về, trông ông chông chênh thấy rõ.

Chúng tôi biết tình cảm của cha tôi với mẹ tôi. Bốn, năm chục năm trước cho dù đã làm hết mọi việc nặng nhọc trong nhà, nhưng chỉ cần nhìn thấy đôi tay của bà bưng chậu đồ uể oải là ông lại giành lấy, giặt thay cho vợ. Buổi sáng, ông để bà ngủ yên, còn ông thì rón rén dậy từ tờ mờ, nấu cơm rồi đánh thức chị gái tôi, đứa con đi học ở xa hơn, dậy trước, rồi mới đánh thức chúng tôi; ông cố giữ cho giấc ngủ của mấy đứa con thêm được từng 5, 10 phút.

Năm tôi học lớp 8, ông cho tôi dùng chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, hàng phân phối nhờ 4 năm liền là chiến sỹ thi đua toàn miền Bắc của ông, còn ông thì cuốc bộ. Chiếc xe đã oách, lại còn lắp ráp thêm một số phụ tùng anh tôi gửi từ Cộng hòa Dân chủ Đức về. Cả nông trường hàng ngàn cán bộ công nhân nhưng lượng người có xe đạp chỉ tính được trên đầu ngón tay. Trong một buổi học trời mưa rất to, chiếc xe dựng bên ngoài cửa lớp bị ai đó bẻ khóa lấy đi. Tài sản quý giá nhất của cả một gia đình 9 người bị mất. Vậy mà khi thấy “kẻ tội đồ” xuất hiện trước cửa, áo quần sủng ướt, việc đầu tiên mà mẹ tôi làm là lấy đồ khô để tôi thay; cha tôi chỉ hỏi vài câu rồi đi bộ lên huyện gặp công an trình báo. Hồi đó, ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, xe đạp cũng phải được cấp biển số; hồ sơ ở cơ quan công an ghi rõ số sườn. Kẻ gian lấy cắp xe không thể đem bán, không thể sử dụng mà chỉ tháo một ít phụ tùng rồi ném cái sườn xe xuống những hố bom đầy nước.

Tôi không thích lắm bức chân dung được dùng trong lễ tang mẹ tôi; nhưng đó là tấm hình gần nhất mà chúng tôi có, chụp bà cách đây gần mười năm, sau hơn mười hai năm bị tai biến. Anh tôi mang về một chiếc practika từ năm 1976, tôi độc chiếm chiếc máy ảnh gần như là duy nhất trong vùng, nhưng không hiểu sao khi đó tôi lại không chụp bà. Ngày đó, mỗi khi có đình đám gì, mẹ tôi mặc áo nâu, đầu quấn chiếc khăn nhung đen, vẫn thắt đáy lưng ong, vô cùng duyên dáng. Tấm ảnh mà bà chụp trong một đám tiệc hồi năm 1986, khi bà ở tuổi 60, vẫn giữ được hình ảnh này, rất tiếc là khi phóng to lại mất đi nhiều nét.

Những năm cuối đời, bà bệnh. Các chị dâu tôi, chị gái và hai cô em tôi khi nào cũng tự tay chăm sóc mẹ. Nhưng đôi khi, mẹ thật chẳng công bằng, người mà bà thường xuyên hỏi tới lại là tôi; chừng một tuần không thấy tôi về là bà lại nhắc. Vậy mà những khi bà khó khăn nhất, tôi lại thường đang ở rất xa; khi chạy về tới nhà thì những việc cần thiết cho bà, hai em gái tôi, chị tôi và ba ông anh tôi đã lo chu tất. Mấy tháng gần đây, bà thường nằm lặng lẽ. Ánh mắt dường như vui lên mỗi khi lũ con đông đúc cứ về là lại ngồi bên cạnh giường bà cãi nhau những chuyện trên trời. Nhiều hôm tôi về thăm mẹ, đi nhè nhẹ từ phía sau, thấy bà nằm một mình, ở khóe mắt lăn ra vài giọt nước. Chiều thứ Bảy, 11-9-2010, bà cũng nằm một mình; sau bữa ăn chiều cuối cùng, khi người giúp việc quay lại thì thấy mắt bà đã khép. Lúc ấy là 5:45 chiều.

Cha tôi thường dạy: “Bảy mươi tuổi chưa đui, chưa què chớ khoe mình lành”. Lâu nay, thấy mình may mắn hơn bạn bè, gần năm mươi tuổi vẫn có đủ cả cha lẫn mẹ. Đôi khi, cũng vênh váo lắm. Sáng nay, một mình ở nhà, mới thấy cuối cùng thì mình cũng đã phải mồ côi mẹ như nhiều người khác.

Huy Đức