BÁO PHỤ NỮ NÊN CỦNG CỐ CỨ LIỆU CHO LOẠT BÀI BÀ NÀ, TAM ĐẢO

Mãi tới hôm nay tôi mới có thể đọc kỹ loạt bài về Bà Nà, Tam Đảo của báo Phụ Nữ; càng đọc kỹ càng hết sức băn khoăn.

Tôi thuộc thành phần khá cực đoan trong vấn đề bảo tồn thiên nhiên. Càng nơi danh lam thắng cảnh, theo tôi, càng ít có bàn tay con người càng tốt. Tôi cũng cho rằng, các đại gia của VN cũng cần tập làm quen với việc bị báo chí và công chúng chỉ trích. Những Vin, Sun, FLC… cho dù đóng góp thế nào thì quý vị cũng đều là những thế lực. Bất cứ thứ quyền lực nào cũng cần được chế ước.

Phải công nhận, báo Phụ Nữ và phóng viên Thu Trang rất là dũng cảm. Tuy nhiên, báo chí nhà nước điều tra rất khác với một NGO tuần hành bảo vệ môi trường. Dũng cảm thôi chưa đủ.

Khác với việc phanh phui một công trình xây trộm. Những dự án của Sun chắc là đã được cấp phép bởi chính quyền. Khi báo Phụ Nữ cáo buộc những công trình đó sai phạm cũng đồng nghĩa với việc cáo buộc cả sai phạm của chính quyền các cấp. Chỉ ra sai phạm của chính quyền là càng cần thiết nhưng cáo buộc bất cứ ai cũng cần có lập luận và bằng chứng rõ ràng.

Tôi vẫn nghĩ là trước khi thâm nhập địa hình, các phóng viên đã phải có trong tay dự án, quyết định phê duyệt dự án và đánh giá tác động môi trường. Đấy là những căn cứ tối thiểu mà loạt bài này phải có. Chỉ khi đặt ba tài liệu này bên cạnh quy hoạch Bà Nà, Tam Đảo mới chỉ ra được chính quyền và doanh nghiệp sai ở đâu.

Rất tiếc là loạt bài này không thấy đề cập gì đến các tài liệu ấy (Các bạn có một vũ khí khá lợi hại với mạng xã hội là sư Toàn; nhưng ông sư “xin tí khí” này giờ đây lại được nhắc nhiều hơn chứ không phải các cáo buộc chính của các bạn ở Bà Nà, Tam Đảo).

Công chúng đã dành cho các bạn nhiều sự ủng hộ. Nhưng tôi thì thấy tờ báo không chỉ cần công chúng vỗ tay. Với loạt bài này, báo Phụ Nữ có thể sẽ phải đối diện không chỉ với doanh nghiệp mà cả chính quyền nhiều cấp. Các bạn nên ngồi lại củng cố các cứ liệu đang có để bảo vệ mình thay vì sử dụng uy tín của “Bác Hồ” như bài viết gần đây của bà Tổng biên tập báo.

PS: Đầu thập niên 1990, tôi viết nhiều bài trên báo Tuổi Trẻ phản đối việc xây dựng sân golf Thủ Đức trên phần đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ. Tôi nhớ là cho dù điều tra cặn kẽ, trình bày khá chặt chẽ, phỏng vấn nhiều chuyên gia và cả nhà đầu tư. Nhưng, cuối cùng như ta thấy, sân golf được xây chứ không phải rừng phòng hộ. Mong các đồng nghiệp giờ đây có đủ bằng chứng bảo vệ các cáo buộc của mình để may mắn hơn những gì tôi làm gần 30 năm trước.