Category Archives: Phỏng vấn

Jimmy Carter

Sự kiện Tổng thống Jimmy Cartervừa đến Việt Nam hôm 18-11-2009 trong một chương trình thí điểm xây nhà cho người nghèo được truyền thông rất là mờ nhạt. Có lẽ vì ít ai biết, ông chính là người chủ động “bình thường hoá” với Việt Nam khi vừa nhậm chức Tổng thống. Nếu nỗ lực của ông không thất bại, Việt Nam- trong thập niên 70-80- đã mang một gương mặt khác. Tổng thống Jimmy Carter đã giải thích quyết định của mình trong bài phỏng vấn được dùng để mở đầu phần quan trọng nhất của hội thảo Việt Nam và Các Đời Tổng Thống (được tổ chức hồi tháng 12-2005 tại Boston). Bài phỏng vấn được thực hiện bởi Brian Williams, một người dẫn chương trình nổi tiếng của đài truyền hình NBC, khi ấy, tôi đã lược thuật để đăng trên Tuổi Trẻ.

Thưa ông, tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ những ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam lên nhiệm kỳ tổng thống của ông, cuộc đời ông, với tư cách là một cựu binh, một người cha?

Con trai lớn của tôi, Jack, nghĩ đến nghĩa vụ quân sự khi đang học ở trường kỹ nghệ Georgia. Nó cho rằng sẽ không công bằng nếu cứ ngồi nhà và nó đã rời trường để đi đến Việt Nam. Và, tôi tiếp nhận Nhà trắng từ Gerald Ford, người làm tổng thống khi cuộc rút lui khỏi Việt Nam xảy ra. Đó là một yếu tố quan trọng, xét về mặt cá nhân. Sau đó (1977), Chúng ta bắt đầu nói chuyện với đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và tại Washington để xem liệu chúng ta có bình thường hoá quan hệ với Việt Nam được không. Tuy nó đã không kết quả nhưng tôi cảm thấy hài lòng vì nó đã được bắt đầu không quá lâu sau chiến tranh.

Thưa Tổng thống, những cuộc hội đàm đó diễn ra thực sự nghiêm túc?

Nội dung những cuộc thương thuyết đó đã được đặt lên bàn Tổng thống. Tôi có những đề xuất từ Ngoại trưởng (Cyrus Vance), từ Cố vấn An ninh Quốc gia (Zbigniev Brzezinski), người ủng hộ, người chống; những đề nghị về mức độ công khai các cuộc nói chuyện bí mật đó; mức độ tham gia của các thành viên bên Quốc hội… Yêu cầu lúc đầu của phía Việt Nam là chúng ta phải bồi thường chiến tranh theo một số cách thức. Nhưng cuối cùng, tôi nhớ là năm 1978, họ rút lại đòi hỏi này. Điều phức tạp là cũng năm đó, tôi phải dồn tâm trí và đích thân đàm phán bình thường hoá với Trung Quốc. Những cuộc hội đàm giữa Isreal và Ai Cập lúc ấy cũng đang diễn ra tại trại David. Tôi phải nói rằng, năm 1978, vấn đề Việt Nam không còn là ưu tiên hàng đầu của tôi nữa.

Tôi nghĩ có thể vì nó quá sớm?

Vâng, sớm. Nhưng chúng ta mở đầu mà.

Ông từng nói, quyết định khó khăn nhất của ông là quyết định ân xá cho những người (Mỹ) trốn lính trong chiến tranh Việt Nam, đó cũng là quyết định đầu tiên của ông với tư cách Tổng thống?

Đúng. Trong lễ nhậm chức, từ trên khán đài với Tổng thông Gerald Ford, một trong những người bạn tốt và gần gũi nhất của tôi hiện nay, tôi cảm ơn ông, người mà tôi vừa đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1976, về những gì ông đã làm để hàn gắn đất nước. Rồi tôi rời khỏi lễ đài đi vào bên trong toà nhà Quốc hội, trước khi sang Nhà Trắng, tôi ký lệnh ân xá cho những người chạy sang Canada trốn lính nhằm tránh cuộc chiến tranh Việt Nam. Riêng những người lính đào ngũ, tôi không ân xá cho họ. Đó là một quyết định khó khăn nhưng đó là một việc làm đúng.

Khi lệnh đó chưa ráo mực, ông bị chỉ trích là đã “đi quá xa”. Đó có phải là bài học đầu tiên của ông với tư cách một Tổng thống?

Đó là việc đầu tiên tôi làm, không kể bài diễn văn nhậm chức. Tôi ký nó chỉ trong vòng 30 phút sau khi tôi tuyên thệ Tổng thống. Những lời chỉ trích, đương nhiên là bài học đầu tiên rồi, nhưng nó không làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã từng là một thống đốc. Tôi hiểu, không có điều gì làm hài lòng mọi người. Nhất là một điều ám ảnh đất nước như chiến tranh Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một bước cần thiết để khởi đầu việc hàn gắn và đưa chúng ta ra khỏi nỗi ám ảnh Việt Nam để đi tới một kỷ nguyên mới tốt đẹp hơn.

Thưa ông, ở sân bay mới đây, tôi nhìn thấy những người tình nguyện ra đón những người lính trở về từ Iraq. Tôi tự nghĩ, “nếu điều ấy đã từng xảy ra với những người lính trở về từ Việt Nam”. Người ta thường nói, “căm ghét chiến tranh, cứ việc, nhưng đừng căm ghét những người lính”. Tôi tò mò muốn biết cảm giác của ông về cảnh những người lính đã bị đối xử như thế nào khi trở về từ Việt Nam?

Như tôi đã nói, Brian, con trai tôi là một trong số họ. Con tôi về phép hai lần trong thời gian ở trong quân đội. và, nó đã bị dị ứng khi mặc quân phục trong những ngày nghỉ phép. Có khá nhiều sự khinh khi, xúc phạm và chê trách vì nó đã ngây thơ từ bỏ những đặc lợi ở trường để đến Việt Nam. cả các bạn đồng lứa cũng chê trách nó. Chỉ sau khi trở thành Tổng thống, tôi bổ nhiệm Max Cleland, một cựu binh, như anh biết, mất cả hai chân và một cánh tay ở Việt Nam, đứng đầu bộ Cựu Chiến Binh, sự hàn gắn mới bắt đầu tiến triển.

Về cuộc chiến ở Iraq, thưa Tổng thống, ông thấy thế nào khi so sánh với cuộc chiến tranh Việt Nam?

Tôi muốn so sánh một cách cẩn trọng, chiến tranh Việt Nam có một kết cục rất xấu cho nước Mỹ, một thất bại rất rõ ràng. Chúng ta phải rút lui từ trên nóc nhà bằng trực thăng ở phút chót; đối phương của ta thắng thế cả về quân sự lẫn chính trị. Tôi hy vọng, tôi chờ đợi và tôi cầu nguyện điều đó đừng xảy ra cho chúng ta ở Iraq. Có vài điểm tương đồng, nhưng tôi nghĩ, về lâu dài chúng ta không phải rút lui trong thất bại như chúng ta đã từng, ở Việt Nam.

Thưa Tổng thống, ông nghĩ sao về vai trò của Tổng thống John F. Kennedy với chiến tranh Việt Nam?

Có nhiều người tham gia trực tiếp hội thảo này hiểu điều này hơn tôi. Khi ấy tôi mới là một nhà chính trị trẻ, nhưng theo hiểu biết của tôi, trách nhiệm dẫn tới chiến tranh Việt Nam căn bản thuộc về Tổng thống Kennedy. Sau khi người Pháp rút, chúng ta nghĩ rằng, ta có thể thế chỗ họ để chống cộng ở châu Á. Tôi nghĩ Tổng thông Kennedy chỉ định tham gia có giới hạn. Nhưng khi Tổng thống Lyndon B. Johnson kế nhiệm (Tổng thông Kennedy bị ám sát năm 1963), ông đã dính líu ngày càng sâu thêm, rồi chiến tranh Việt Nam trở thành sĩ diện quốc gia và lòng tự trọng của ông ấy. Tôi nghĩ, chúng ta đã đánh giá thấp sự ngoan cường của Bắc Việt, chúng ta đồng thời đánh giá quá cao khả năng và quyết tâm những người Việt Nam ở phía chúng ta.

Ngài nghĩ sao khi nhìn lại lý thuyết Domino?

Tôi làm Tổng thông dưới thời chiến tranh lạnh, thời mà chúng ta bị cạnh tranh ở khắp nơi trên Thế giới bởi Liên Xô. Thuyết Domino và mối đe doạ của nó là một điều có thực. Nhưng chúng ta đã đánh giá sai và có phần phóng đại mối đe doạ đó. Việt Nam là một ví dụ.

Huy Đức