Xe Cá Nhân và Vết Xe Nguyễn Thiện Nhân

Người dân có lẽ cũng chia sẻ khi nghe nói Bộ trưởng Đinh La Thăng và các quan chức trong Bộ rồi đây sẽ đi xe bus tối thiểu một lần trong tuần. Nhưng nhớ, các nhà kinh tế đã từng tính toán, nếu Bill Gates đánh rơi tờ 100 dollars thì thay vì cúi xuống nhặt mà tiếp tục đi thì cái đầu của ông sẽ kiếm được nhiều hơn như thế. Lâu lâu “vi hành” để biết đứng trên xe bus thường dân nó khác với ngồi xe hơi Bộ trưởng như thế nào thì cũng cần. Nhưng, Bộ trưởng nên dành thời gian để tư duy. Mặt khác, một “tư lệnh” mà đến cơ quan với áo xống xộc xệch, mồ hôi nhễ nhại, thì cũng không “uy” cho lắm.

Năm 1993, khi vào Sài Gòn Công tác, ông Nông Đức Mạnh đã mất hơn một giờ để di chuyển từ trung tâm xuống Bình Thạnh thăm công ty Vissan. Cảnh sát hụ coi thì cứ hụ còi, đầy đường xe cộ, người dân có muốn tránh xe Chủ tịch Quốc hội cũng không có chỗ. Vừa tới Vissan, ông Mạnh nói, Bộ Chính trị vừa họp phê duyệt Quy hoạch, theo đó dân số Sài Gòn tới năm 2000 là 5 triệu người. Ông thú nhận, khi ngồi trong phòng họp Bộ Chính trị ông không hình dung được Sài Gòn lại đông như vậy. Ông Mạnh có cảm nhận đó cũng nhờ một chuyến “vi hành”. Nhưng lẽ ra, những người giữ cương vị như ông phải thấy rằng, dự báo mức tăng trưởng dân số ở các đô thị là trách nhiệm của các nhà chuyên môn thay vì phó thác cho một cơ quan nhiều việc như Bộ Chính trị.

Trước khi quyết định các chính sách ở các thành phố lớn cũng nên nhớ lại bài học thời “duy ý chí”. Tháng 9-1975, Hội nghị Trung ương 24 chủ trương giảm áp lực dân số đô thị bằng cách “đưa hàng triệu người về nông thôn sản xuất nông nghiệp”. Tháng 10-1975, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn-Gia Định họp mở rộng thông qua chủ trương, đưa 1,5 triệu người từ Thành phố hồi hương và đi kinh tế mới. Nhưng, cho dù Sài Gòn đã đưa 700 nghìn người đi kinh tế mới trong vòng 5 năm 1975-1980 và chưa tính cải tạo tư sản, “nạn kiều” và vượt biên, dân số Sài Gòn chỉ giảm từ 3,498 triệu người, năm 1975; xuống 3,428 triệu, năm 1980. Sức hấp dẫn đô thị đã tạo thêm những làn sóng nhập cư, dân số tăng trở lại đến mức 3,706 triệu người, năm 1985.

Từ năm 1987, sau khi Đảng cho phép người dân làm ăn, dân số Sài Gòn tăng nhanh lên 4,118 triệu người, năm 1990 và 4,640 triệu, 5 năm sau đó. Lúc này, thay vì đưa ra các tiêu chuẩn về hạ tầng cho những khu dân cư sắp phát triển hoặc chủ động đầu tư hạ tầng đón đầu theo các mức tăng trưởng dân số mà các chuyên gia dự báo. Chính quyền lại loay hoay trong cung cách “kế hoạch hóa tập trung quan liêu”: lập quy hoạch đưa ra Bộ chính trị, Chính phủ, phê duyệt rồi mới đưa về thực hiện. Trong khi nhu cầu nhà ở thì bức bách, người dân không thể ngồi chờ các nhà quy hoạch vẽ vời và đợi xếp lịch để chính quyền từ thấp tới cao thông qua. Cuối thập niên 1980s, những ao rau muống ở Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình… bắt đầu được san lấp để phân lô, bán nền. Cùng lúc, “xe máy nghĩa địa” ào ạt nhập về. Văn hóa xe máy nhanh chóng hôn phối với nền văn minh nhà phố. Thật khó để chỉ trích những nhà lãnh đạo lúc bấy giờ, phần lớn họ là những người không được đào tạo và vừa từ trong rừng ra. Người dân thì đã đi bộ, ăn bo bo từ năm 1975, xây được căn nhà phố, mua được chiếc xe máy là cả một niềm mơ ước.

Không phải là không có những khuyến cáo về hạ tầng đô thị từ thập niên 1990s, nhưng như câu chuyện ông Nông Đức Mạnh “vi hành” hồi năm 1993, lẽ ra việc địa phương thì không nên được quyết định bởi những cấp ở trên cao. Bộ Chính trị không thể gần người dân thành phố như chính quyền thành phố. Giao thông đô thị ở Quảng Châu, Thượng Hải, Jakarta… đều chủ yếu được quyết định bởi chính quyền thành phố. Nên nhớ, Quảng Châu bắt đầu chính sách hạn chế xe gắn máy từ năm 1991, nhưng mãi tới năm 2007 mới đưa ra nghĩa địa được chiếc xe máy cuối cùng. Và vấn đề là, ở giai đoạn thịnh hành, xe máy cũng chỉ chiếm 20% lưu lượng giao thông của Quảng Châu. Trong khi con số này là 93,5% ở Sài Gòn và 80,8% ở Hà Nội.

Một nghiên cứu ở Hà Nội cho thấy: Xe máy tham gia giao thông tới 80,8% nhưng chỉ chiếm dụng mặt đường có 62,4%; trong khi, xe con chỉ tham gia giao thông 4% mà chiếm dụng mặt đường tới 19%. Đặc biệt, trên một làn đường 3,5m: xe máy đạt hiệu suất lưu thông cao nhất, 26.380 người/giờ; xe bus, 24.000 người/giờ; trong khi xe con chỉ đạt 2.200 người/giờ. Bởi, theo nghiên cứu này, xe bốn chỗ cồng kềnh như vậy nhưng trung bình chỉ chở 1,5 người/xe, trong khi chiếc xe hai bánh chiếm đường ít lại chở được trung bình 1,3 người/xe. Tuy chỉ đảm trách 4% nhu cầu giao thông nhưng xe con tiêu thụ tới 20,5% nhiên liệu.

Căn cứ trên bản phân tích này, tôi nghĩ nếu ông Đinh La Thăng là Thị trưởng thì, thay vì cấm xe máy và các phương tiện cá nhân, ông sẽ đưa ra một thứ tự ưu tiên khác: Giảm tối đa lượng xe hơi 4 chỗ ở hai thành phố lớn, kể cả xe công và xe taxi; làm việc với hãng Honda và các nhà sản xuất xe hơi, cho thiết kế và sản xuất hàng loạt “xe lam” và bắt đầu ngưng đăng ký mới các loại xe hai bánh. Trong khi khống chế tăng trưởng xe bốn bánh, có chính sách để, năng lực vận tải của xe lam và xe bus lớn tới đâu, thì giảm xe hai bánh đến đó. Nên để cho tư nhân, thậm chí cá nhân cũng có thể kinh doanh chở khách bằng xe lam và điều chỉnh họ bằng thuế và luật giao thông. Đừng để các hợp tác xã xe bus, đang nhận được hàng trăm tỉ trợ giá, dèm pha, lũng đoạn.

Để thực hiện chủ trương này, có những phần việc Bộ trưởng sẽ phải làm, ví dụ như phải chiến đấu với Bộ Công thương như Bộ trưởng Vương Đình Huệ để tăng thuế các nhà lắp ráp xe bốn bánh; hợp tác với Bộ Tài chánh đề nghị Thủ tướng đưa chế độ xe đưa đón cấp thứ trưởng vào lương… Có những việc, phải để chính quyền các thành phố làm, ví dụ như: đấu giá quyền đăng ký mới xe bốn bánh (đồng thời thu lệ phí xe biển số tỉnh chạy vào Thành phố); thu lệ phí sử dụng xe bốn bánh và khi nào xe lam xuất hiện thì thu lệ phí cả xe hai bánh.

Cần phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền đô thị. Ngay từ trong thập niên 1990s, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thấy phần ngân sách mà Trung ương để lại, khoảng 25% nguồn thu trên địa bàn, là không đủ để đầu tư hạ tầng. Nhưng, ý kiến này đã không được chấp thuận trong khi địa phương lại không có quyền định ra các khoản thu được hội đồng nhân dân cho phép. Phải để cho địa phương định ra một số lệ phí; một số loại thuế liên quan đến nhà đất; phải cho các thành phố đấu giá quỹ đất công để bổ sung ngân sách phát triển hạ tầng… thay vì để các đại gia cầm thư tay xuống, thôn tính những khu đất vàng ấy.

Không nên sa lầy vào chuyện cấm xe máy, Bộ trưởng còn rất nhiều việc phải làm trên cương vị của mình. Nên khảo sát lại các đoạn đường cao tốc tiêu biểu như Quốc lộ I, đoạn tránh Bắc Ninh; đoạn từ Thường Tín về Phủ Lý… để xem, liệu mô hình xa lộ tránh khu dân cứ đó có làm giảm được tai nạn giao thông và hạn chế phát triển nền văn minh nhà phố. Cần đặt ra một thứ tự ưu tiên để sử dụng ngân sách quốc gia, đừng mua phiếu các địa phương bằng cảng biển, sân bay… Giờ đây, nhìn từ lợi ích quốc gia, có lẽ trong thâm sâu, ông Đinh La Thăng sẽ thấy, để ngành Dầu khí mang 3,2 tỷ dollars sang đầu tư tận Venezuela như hồi 2009 là rất rủi ro và không phải là một ưu tiên. Đó không phải tiền do PetroVietnam làm ra mà là tiền bán tài nguyên quốc gia. Đất nước đang cần nguồn vốn ấy cho nhiều việc, trước mắt là cần một xa lộ cao tốc chạy từ Nam chí Bắc.

Dù sao thì nền chính trị Việt Nam cũng đang cần những chính khách như ông Đinh La Thăng. Ngay cả những chế độ mà người cầm quyền không phải do dân bầu lên cũng không nên coi thường dân tới mức không cần mị dân. Có người so sánh hành động của ông Thăng trong mấy tuần vừa qua với những gì ông Nguyễn Thiện Nhân làm 5 năm trước đây. Cũng có nhiều người tin ông Thăng đang muốn làm một điều gì đó cho đất nước. Nhưng, thực trạng Giao thông hiện nay là hậu quả của những chính sách từ nhiều thập niên trước đây. Nếu ông Thăng cứ nôn nóng nhìn thấy kết quả ngay thì ông rất dễ đi vào vết xe Nguyễn Thiện Nhân. Giao thông và giáo dục là hai lĩnh vực mà cho dù có chính sách đúng ngay từ bây giờ, các bộ trưởng cũng cần phải kiên nhẫn chờ, ít nhất là vài nhiệm kỳ, mới mong thành tựu.

Huy Đức

Post a comment or leave a trackback: Trackback URL.

Bình luận

  • Dang  On Tháng Mười Hai 19, 2012 at 8:13 chiều

    Anh Huy Đức đúng là một nhà báo hoàn hảo, phân tích của anh đầy thuyết phục với việc dẫn chứng khoa học. Rất tiếc, nó khó thức tỉnh mấy cái đầu nóng tham quyền hám chức. Làm lãnh đạo cứ như người cõi trên, xa rời thực tế cuộc sống. Phải chi, chúng ta có nền dân chủ thực sự, anh Huy Đức thừa đủ năng lực cầm trịch ở những vị trí nóng như vậy.

  • Người Việt  On Tháng Một 3, 2013 at 3:03 sáng

    Có điều, chúng ta sẽ không bao giờ có sự phân quyền ở cấp thành phố. Bởi vì trong con mắt của BCT thì thành phố Sài Gòn vẫn luôn là một mối lo thường trực, một đích đến lý tưởng của cái gọi là “các thế lực thù địch bên ngoài”. Anh Huy Đức viết rất hay, tiếc là sẽ không ai áp dụng. Thiếu sự phân quyền giúp đem đến kết cấu vững vàng đó, mọi giải pháp chỉ là nửa vời kiến bò miệng chén mà thôi. Những ngày gần đây đặc khu kinh tế Hồng Kông cũng đang có bất ổn trong xung đột với nhà cầm quyền Bắc Kinh; rõ ràng đây là điều mà Hà Nội nhìn vào mà lo lắng. Mong được đọc nhiều bài viết chất lượng hơn nữa của anh.

  • phong  On Tháng Tư 14, 2013 at 9:06 chiều

    ‘Bỏ bóng đá người’, đó là thứ bóng đá xấu xí. Bất cứ người hâm một nào nếu được hỏi, chắc chắn sẽ đều phản ứng với hành vi phi thể thao này. Xét dưới góc độ tâm lý học cũng như diễn biến thực tế trên sân cỏ, thứ bóng đá xấu xí ấy thường được trình diễn bởi một đội bóng bị ức chế, bế tắc trong chiến thuật, trong tìm cách khơi thông đường vào khung thành đối phương hay đơn giản nhất, là đang thua. Trừ phi thoát khỏi sự theo dõi của trọng tài, còn phần lớn hành vi “bỏ bóng đá người” sẽ bị xử bằng một thẻ đỏ, nhẹ nhất cũng là một thẻ vàng.

    Qua nhiều thăng trầm, có những lúc trên đỉnh cao vinh quang với hai chức vô địch liên tiếp, cũng không hiếm mùa bóng ngụp lặn dưới đáy bảng xếp hạng V-league, thậm chí đối mặt với nguy cơ xuống hạng nhưng Hoàng Anh Gia Lai – đội bóng phố núi của ông bầu Đoàn Nguyên Đức luôn tồn tại trong mắt người hâm mộ với tư cách là đội bóng luôn trình diễn với thứ bóng đá hào hoa, đẹp mắt. Chưa bao giờ HAGL ‘được’ xếp vào hàng các đội bóng có lối chém đinh chặt sắt và họ cũng chưa từng có lấy một trận nào bị kêu ca ‘bỏ bóng đá người’.

    Tranh biện sòng phẳng, nhưng đừng ‘bỏ bóng đá người’

    Thậm chí, khi HAGL bắt tay với Arsenal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMC tại Pleiku, người hâm mộ càng có thêm kỳ vọng vào thứ bóng đá hào hoa đẹp mắt của phong cách Pháp lai Latin mà CLB bóng đá Anh đang sở hữu. Tôn sùng bóng đá đẹp, bầu Đức đã không tiếc tiền rước về những ngôi sao hàng đầu, kể cả cầu thủ có lối chơi nổi tiếng hào hoa với đôi chân ma thuật được cả Đông Nam Á tôn sùng là Zico Thái – tiền đạo Kiatisuk.

    Chơi đẹp trên sân cỏ, thế nhưng gần đây trên sân chơi bất động sản, ông bầu của CLB này đã cùng một lúc mắc hai lỗi: ‘Bỏ bóng đá người’ và rơi vào thế việt vị!

    Đầu tiên là lỗi việt vị. Cách đây ít ngày, cả giới kinh doanh bất động sản lẫn dư luận xôn xao với ý kiến của một vị chuyên gia kinh tế nổi tiếng – TS Alan Phan – khi ông có bài viết trên website cá nhân của mình: “Hãy để bất động sản rơi tự do”. Không dám lạm bàn rằng vị chuyện gia này đúng hay sai, nhưng đó là một góp ý về các giải pháp giải cứu bất động sản hiện nay với các luận điểm khoa học, các dẫn chứng cụ thể.

    Câu chuyện tưởng đã tạm lắng sau khi ông Alan Phan chấp nhận tranh luận với Hiệp hội BĐS Hà Nội thì mới đây nhất, chiều 5/4, ông chủ HAGL Đoàn Nguyên Đức, đồng thời cũng là một doanh nhân kinh doanh BĐS nổi tiếng lên tiếng phản kích với mũi nhọn là ông Alan Phan. Mở đầu, bầu Đức nói: “Tôi nghe câu nói của Alan Phan: Hãy để cho nó chết đi!, tôi cho là cực kỳ thiếu văn hóa. Chúng ta là người có học, tại sao lại nói như thế! Thiếu văn hóa! Đúng, nếu nó được coi là một lời nguyền rủa! Tuy nhiên, trong ngữ cảnh Alan Phan đề cập, “Hãy để nó chết đi” hóa ra lại là một điển tích khoa học kinh tế nổi tiếng: Drop Dead! Năm 1976, TP.New York (Mỹ) cũng đang ngập chìm trong công nợ. Thâm hụt ngân sách gia tăng cùng với việc sưu cao thuế nặng đã khiến các doanh nghiệp bỏ chạy khỏi nơi đây. Đối diện với nguy cơ phá sản, Thành phố kêu gọi chính quyền liên bang cứu trợ khẩn cấp. Nhưng Tổng thống Gerald Ford trả lời với một câu nói đã đi vào lịch sử nước Mỹ: “Drop Dead” (Hãy chết đi). Hơn 90% dân Mỹ đã hoan nghênh quyết định sáng suốt này. Mọi thành phần có lợi ích ở New York đã chỉ trích chính quyền liên bang sau quyết định nói trên. Nhưng họ cũng làm những gì cần phải làm: cân đối ngân sách, xóa bỏ thủ tục rườm rà, năng động khuyến khích doanh nhân làm ăn, kêu gọi đầu tư… 5 năm sau, tình hình đã ổn định trở lại.

    Theo ông Alan Phan, tình cảnh ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như vậy. “Nếu hỏi tôi về các doanh nghiệp BĐS, tôi cũng sẽ nói “Hãy chết đi”. Bất động sản sẽ đại hạ giá, tạo cơ hội cho người dân có thu nhập trung bình mua được nhà đất”. Hãy để nó chết đi, đơn giản là hãy để cho “bàn tay vô hình”, tức quy luật cung cầu, giải quyết. Lý thuyết bàn tay vô hình của nhà kinh tế Adam Smith cho rằng Nhà nước không cần can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, mà chỉ cần để mọi thứ vận hành theo quy luật cung cầu. Thị trường là cái chợ, có kẻ bán và người mua. Chợ chỉ vận hành tốt khi hai bên mua bán gặp nhau. Hàng rẻ người ta mua nhiều, hàng đắt mua ít lại; hàng quá đắt thì không mua; nếu hàng vừa đắt và dư thừa thì lại càng khó có người bỏ tiền ra mua.

    Lý thuyết “bàn tay vô hình” đã thịnh hành suốt từ thế kỷ XIX đến nay. Dĩ nhiên, nó cũng có những thiếu sót. Và người ta vẫn phải dùng đến nhà nước là “bàn tay hữu hình” thông qua luật pháp, thuế và chính sách kinh tế để điều chỉnh nền kinh tế xã hội kết hợp với cơ chế tự điều chỉnh để thúc đẩy sự phát triển về kinh tế xã hội của đất nước.

    TS Alan Phan, người ‘đối mặt với nhóm lợi ích’

    Nhân nói về chuyện việt vị, một đồng nghiệp khác của bầu Đức trên sân cỏ của thị trường BĐS, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu, cũng vừa việt vị nặng. Thật không may cho cá nhân ông Châu là ông đã hơi sớm khi đưa ra đề xuất “đánh thuế tiền gửi tiết kiệm” để hướng người dân đầu tư vào BĐS. Chỉ sau đó ít ngày, vì áp dụng đánh thuế tiền gửi tiết kiệm mà lập tức nền kinh tế Sip gần như đã sụp đổ chỉ sau một đêm. Sự sụp đổ đó chỉ tạm dừng khi EU, ECB đưa ra gói cứu trợ 10 tỷ euro vào phút chót.

    Bỏ bóng đá người. Tranh luận là cần thiết để đưa tới một xã hội văn minh. Trong phạm vi hẹp hơn, là cần thiết để đưa ra một giải pháp, một quyết sách đúng đắn. Vì vậy, dù rất gay gắt, nhưng tất cả những tranh luận cho ra lẽ cũng chỉ nhằm vào công việc chứ không đả kích cá nhân. Họ phân biệt sự việc với cá nhân. Theo “truyền thống” của người Việt trong tranh luận lâu nay, tật “bỏ bóng đá người” đã làm mất đi không khí văn hoá của nhiều cuộc tranh luận.

    “Alan Phan là ai? Trong lịch sử, ông ấy đã làm gì cho đất nước Việt Nam? Đối với thị trường BĐS, ông Alan Phan có dự án nào ở Việt Nam không? Câu trả lời là “không có”. Ông ấy có một công ty nào thành đạt không? Câu trả lời cũng là “không”. Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì, giống như một người không biết đá banh mà lại nói chuyện đá banh hoặc chẳng khác nào một cậu sinh viên lại “lên mặt” dạy toán cho GS. Ngô Bảo Châu” – ông Đức tung một loạt đòn tấn công về phía đối thủ.

    Ở Việt Nam, Alan Phan là một chuyên gia kinh tế, ông ấy không phải là một nhà đầu tư, vì thế không thể đòi hỏi ông ấy có dự án, cũng không thể đòi hỏi về những thứ hữu hình khác. Nhiều năm nay, chưa thấy cơ quan chức năng nào kết luận ông ta là một chuyên gia “dỏm”. Nếu là một trọng tài, còn có thể phát hiện thêm lỗi “đánh tráo khái niệm” khi so sánh một chuyên gia phát biểu về chính sách với một sinh viên lên mặt dạy GS Ngô Bảo Châu.

    Trên thế giới, từ Adam Smith cho các nhà kinh tế nổi tiếng đoạt giải Nobel sau này, chưa ai trực tiếp kinh doanh đúng nghĩa. Vậy tại sao cả loài người vẫn cứ phải đi nghe họ rao giảng?

    Để phản bác Alan Phan, hãy nhằm vào các luận điểm của ông ấy, không nên nhằm vào cá nhân. Công kích cá nhân chính là hình thức đầu tiên và nguy hiểm nhất của thói ngụy biện vì nó lái sự chú ý cảm tính của dư luận vào cá nhân người tranh luận thay vì đưa ra các luận điểm khoa học.
    ‘Thực tiễn tại các quốc gia phát triển cho thấy tranh luận là điều cần thiết để kiến tạo một xã hội văn minh. Tuy nhiên, điều cần tránh nhất trong tranh luận chính là sự ngụy biện trong các lập luận. Gần đây, một bài viết về “Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện” đã nêu lên 50 hình thức khác nhau về ngụy biện, trong đó “hình thức thứ nhất” chính là “công kích cá nhân’. Nghệ Nhân, VnEconomy.vn.

    Nguyễn Thành Lân

    http://www.nguoiduatin.vn/thong-diep-gui-toi-bau-duc-bo-bong-da-nguoi-a75254.html
    ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC VÀ CÂU CHUYỆN “CÓ HỌC”
    Hẳn là GS Ngô Bảo Châu sẽ chau mày khi nghe ông Đoàn Nguyên Đức đưa tên mình ra để ví von trong câu chuyện ý kiến của TS Alan Phan về thị trường bất động sản.
    Trong bài báo GDVN, ông Đức đã “bắn liên thanh” hết sức hoành tráng, tự tin, và tỏ ra hiểu biết hơn người:
    “Alan Phan là ai? Trong lịch sử, ông ấy đã làm gì cho đất nước Việt Nam? Đối với thị trường BĐS, ông Alan Phan có dự án nào ở VN không? Câu trả lời là “không có”. Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì, giống như một người không biết đá banh mà lại nói chuyện đá banh hoặc chẳng khác nào một cậu sinh viên lại “lên mặt” dạy toán cho GS Ngô Bảo Châu.”
    Ông Đức giống như một vị giám khảo khó tính và khó chịu, tự cho mình là đại diện xứng đáng cho đất nước Việt Nam anh dũng mà gian lao này, truy hỏi đến cùng một trí thức Việt kiều. “Ông đã làm gì cho đất nước Việt Nam”, theo ông Đức, dường như là điều bắt buộc phải làm rõ trước khi ai đó có ý kiến nhận xét về bất kỳ chuyện gì ở Việt Nam.
    “Đối với thị trường BDS, ông Alan Phan có dự án nào không? Câu trả lời là: không có”. Giám khảo Đoàn Nguyên Đức tiếp tục đặt câu hỏi một cách nghiêm khắc, và rồi tự trả lời tỉnh rụi: không có! Ai cũng thấy hiển nhiên là TS Alan Phan không có dự án BĐS ở VN. Nếu có thì TS Alan Phan đã là người cùng hội cùng thuyền với ông Đức rồi, và chắc cũng đang mỏi mắt trông chờ gói 30.000 tỉ của Nhà nước mà ông Đức khăng khăng không phải là “giải cứu”. Té ra ông Đức cũng giỏi ngón dùng “mỹ từ kế” để lừa mị người dân ra phết. Nhà nước bơm tiền, nói rằng hỗ trợ người thu nhập thấp có thêm tiền để mua nhà chứ không giao tiền cho doanh nghiệp BĐS, vậy thỉ đâu có phải là giải cứu? Hay nhỉ ! Nhà nước cho người dân vay tiền (chắc chắn là chẳng cho không bao giờ , nhất là vào lúc kinh tế khó khăn dồn dập như hiện nay) để mua nhà, thị trường BĐS sẽ tan băng đôi chút, một lượng tiền nào đó sẽ được lưu chuyển, và sẽ lại chảy vào túi các doanh nghiệp BĐS đang khát khô bỏng cháy. Từ chết lâm sàng, sức khỏe thị trường BĐS có chút tiến triển (chút chút thôi nhé) và chuyển qua hấp hối, không “giải cứu” thì là cái gì?
    “Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì” là câu mang tính đánh đố của ông bầu Đức. Chẳng ai hiểu nổi ông Đức muốn nói “những người biết gì” là những người nào, và vì sao lại gọi họ là “những người biết gì”. Trong tiếng Việt, “biết gì” chưa bao giờ là một tính chất, một thuộc tính để chỉ một người hoặc một nhóm người. Người ta chỉ có thể nói: những người thông thái, những người lịch sự, những người có học, những người tham ăn, chứ nếu nói bừa như ông Đức thì lần đầu tiên mình mới nghe thấy. Hay là ông Đức muốn ám chỉ “những người biết gì” là “lũ người quỉ ám”?
    Ông Đức ví von việc TS Alan Phan có ý kiến về thị trường BĐS “chẳng khác nào một cậu sinh viên lại lên mặt dạy toán cho GS Ngô Bảo Châu”. Ái chà, ghê thế kia đấy! Ông Đức tự cho mình giống như GS Ngô Bảo Châu đang phải nghe những lời giảng toán của một cậu sinh viên là TS Alan Phan. Choáng ghê gớm!
    Như đã nói ở trên, mình tin là GS Ngô Bảo Châu sẽ chau mày không hài lòng khi nghe ông Đức dùng tên tuổi của GS để ví von bạt mạng như thế. Hơn nữa, ngành Toán có đến hàng mấy trăm chuyên ngành hẹp, mà các nhà toán học nổi tiếng thường chỉ đủ thời gian nghiên cứu cùng lắm 3 hoặc 4 chuyên ngành mà thôi. Cũng đều là những GS toán, nhiều khi ông này không hiểu gì về chuyên môn của ông kia. Nếu GS Ngô Bảo Châu có tình cờ “được” một cậu sinh viên toán nói /”giảng” về một hướng nghiên cứu mới lạ nào đó của mình thì có lẽ GS sẽ chăm chú lắng nghe và động viên khích lệ mà thôi. Chuyện cũng bình thường, chứ đâu có gì mà phải ầm ĩ. Câu ví von kệch cỡm này cho thấy ông Đức rất “uyên bác” về toán học.
    Nhưng choáng nhất là đoạn mở đầu của bài báo, khi ông Đức cho rằng TS Alan Phan là “cực kỳ thiếu văn hóa”. Ông Đức nói thêm: “Chúng ta là những người có học, sao lại nói như thế!”
    Đang tranh luận về những vấn đề kinh doanh, thị trường, tài chính, bỗng đùng một cái, ông Đức quay sang bỏ bom, chỉ trích người khác là “cực kỳ thiếu văn hóa”, một vấn đề thuộc phạm trù nhân cách mà chẳng có lấy một dòng minh chứng. “Thiếu văn hóa” đã là ghê gớm lắm rồi, ấy thế dường như chưa đủ đô nên ông Đức phải nhấn cho nó mạnh là “cực ký thiếu văn hóa”. Nói như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, đây là kiểu chơi xấu, bỏ bóng đá người, không đàng hoàng, không minh bạch.
    Có lẽ với ông Đức, đây mới thực sự là kiểu chơi “cực kỳ có văn hóa”?

    Trong phần cuối bài, mình cảm thấy ghê ghê khi nghe ông Đức phán rằng: “Dư luận không nên đề cập quá sâu hoặc cuốn vào những lời nói của ông Alan Phan bởi nó chỉ làm rối thị trường, rối xã hội hoặc có động cơ xấu ẩn chứa phía sau”.
    Cùng một lúc, ông Đức đóng ba vai trong vở diễn: nhà kinh doanh, sĩ quan an ninh và một dư luận viên cao cấp.
    “Động cơ xấu ẩn chứa phía sau” ư? Không có gì dễ bằng, và và dễ gây tai họa cho bằng cái lối vu cáo, chụp mũ mà nhiều kẻ lâu nay vẫn dùng để hãm hại người khác.

    Bài báo cho thấy sự hung hăng, hùng hổ, hiếu thắng, và cả sự hoảng hốt của một người được gọi là đại gia. Có thể ông Đức có rất nhiều tiền, nhưng dường như ông đã quên một điều sơ đẳng: tiền của ông có thể còn, có thể mất, nhưng giá trị nguồn tri thức trong những bài giảng, bài báo, những cuốn sách của TS Alan Phan và của nhiều nhà trí thức khác sẽ được nhiều thế hệ coi là kho báu.
    .
    Tạm chấp nhận lời tự bạch của ông Đức: “Chúng ta là những người có học”. Chỉ có đề nghị nho nhỏ rằng, ông hãy mau chóng tìm đến thăm nhà một người bạn học nào đó của ông, càng sớm càng tốt. Được bạn học thừa nhận thì mới chúng tỏ được rằng có đi học. Có đi học rồi mới tính sang chuyện có học, ông Đức ạ !
    (Trích
    Tâm Sự Y Giáo ngày 8/4/2013)

    Những kiểu tranh luận thiếu tư cách, nhân cách

    Trong cuộc sống khi có chuyện tranh chấp, tranh luận với nhau mà thay vì tập trung vào việc chính cần nói, cần bàn, bên này lại quay ra nói xấu cá nhân bên kia, lôi chuyện đời tư của bên kia ra để đả kích, khi đó người ta gọi là “bỏ bóng đá người”.

    Làm thế chứng tỏ là đuối lý, bất lực, thiếu tư cách và nhân cách, là không bình đẳng và công bằng trong tranh luận. Tóm lại như thế là chơi xấu.

    Thị trường bất động sản trong nước đang đóng băng, đang khủng hoảng. Người ta đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng này. Có nhiều phương cách được đề ra. Nhưng tựu trung phương cách chính được nói đến nhiều nhất là Chính phủ phải can thiệp, phải ra tay ứng cứu, giúp đỡ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Phần đông người đều cho đó là cách giải cứu tối ưu, hiệu quả, sẽ có hiệu lực vực dậy nhanh chóng thị trường bất động sản. Bất ngờ doanh nhân Alan Phan lên tiếng với một đề nghị gây sốc: Hãy để cho thị trường bất động sản rơi tự do, không cần Chính phủ giải cứu, sau một thời gian nó sẽ lập lại cân bằng và phát triển trở lại. Lập tức đề nghị của ông Alan Phan gây tranh luận mạnh mẽ. Một số nhà nghiên cứu kinh tế và những người am hiểu thị trường tỏ ra thích thú, đồng tình với ông. Nhưng CLB bất động sản thì bức xúc, bực bội và đòi được đối chất, tranh luận với ông. Và ông Alan Phan đã chấp nhận đối thoại với yêu cầu có mặt của những người am hiểu kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. Ông cũng nói trong cuộc tranh luận này sẽ không có bên nào thắng mà là cùng nhau tìm ra con đường cứu thị trường bất động sản đang khủng hoảng hiện nay.

    Câu chuyện diễn ra như thế là bình thường khi các ý kiến trao qua đổi lại. Nhưng điều không bình thường, điều đáng phê phán là trong khi chưa tìm ra cách bác bỏ đề nghị của ông Alan Phan thì một số người đã tìm cách moi móc việc riêng của ông, lấy lịch sử kinh doanh của ông để chứng minh là ông sai, ông liều khi đề xuất cho rơi tự do thị trường bất động sản. Cái cần tranh luận ở đây là tại sao ông Alan Phan lại nêu ra đề xuất đó, nó có cơ sở lý thuyết và thực tiễn nào, nó có khả thi không, nó sẽ đưa lại hiệu quả nào chứ không phải là ông đã làm gì trong quá khứ, ông đã thất bại ra sao trong quá trình xây dựng sự nghiệp của mình. Kiểu tranh luận mà hỏi “Alan Phan là ai” thì đúng là kiểu “bỏ bóng đá người”. Đó là kiểu chơi không đàng hoàng, minh bạch, chứng tỏ người chơi yếu thế.Trong tranh luận, khi một bên đã chơi kiểu “bỏ bóng đá người” như vậy thì không còn gì để nói nữa, thì không đáng nói với nhau nữa, thì coi như bên đó đã chịu thua.

    Tôi đã từng gặp phải kiểu này trong các cuộc tranh luận văn học. Trước một tác phẩm, tác giả, một hiện tượng văn học, lẽ ra tranh luận, đối thoại là phải xoáy sâu vào chính đối tượng, phân tích, bình luận, đánh giá nó khách quan và khoa học thì người ta lại xoay sang nói về cá nhân người tranh luận, lôi những chuyện riêng tư không giúp ích gì cho việc làm sáng tỏ vấn đề đang bàn đến. Rốt cục đọc các bài viết gọi là tranh luận như vậy, độc giả không thấy được điều họ cần, thay vào đó họ chỉ thấy phơi bày tư cách đáng xấu hổ của một bên tranh luận.

    Sự kiện Alan Phan và thị trường bất động sản thêm một lần nữa báo động về văn hóa tranh luận, đối thoại ở ta. Nó cho thấy môi trường đối thoại đang bị ô nhiễm vì lợi ích, không phải là để truy cầu chân lý, tìm đến sự thật. Mà đây chỉ mới là một dạng tranh luận, có thể gọi là tranh luận kiểu “bỏ bóng đá người”. Còn một dạng nữa là tranh luận kiểu “cả vú lấp miệng” mà thời gian qua cũng đang bùng phát. Tranh luận theo hai kiểu này thì người thua thiệt chính là phía chủ trương tranh luận như vậy và hậu quả là làm rối loạn dư luận xã hội.

    PHẠM XUÂN NGUYÊN

Trackbacks

Bình luận về bài viết này