Không thể cứ trú ngụ trong sự sợ hãi

Có rất nhiều câu hỏi tác giả muốn trả lời nhưng thật là không phải nếu mình đã đặt ra “luật” rồi lại không tuân theo “luật”. Không ngờ việc điều chỉnh những sai sót mà bạn đọc giúp phát hiện sau khi phát hành Giải Phóng và công việc “bếp núc” cho Quyền Bính lại mất nhiều thời gian như vậy. Nên xin lỗi là tới hôm nay tác giả Bên Thắng Cuộc mới có thể trả lời 10 câu hỏi được gửi tới trong tuần qua của bạn đọc.

Dao Truong Theo anh dự đoán, chính quyền và nhà nước Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào về cuốn sách này?

Tôi không dự đoán. Nhưng khi viết cuốn sách này tôi quan tâm tới sự phản ứng bên trong của những người đọc có lương tri, kể cả những người đọc đang làm việc trong chính quyền Việt Nam, hơn là quan tâm đến những phản ứng công khai.

Long Nguyen Anh Huy Đức có đặt mục tiêu làm tiếp cuốn 3 về sai lầm trong giai đoạn 2006- hiện tại ko?

Cuốn sách của tôi nói về những gì đã xảy ra chứ không chỉ nói về những sai lầm. Nhưng, bạn đâu đã biết cuốn II của tôi nói về giai đoạn nào?

Thaiduong Nguyen Câu hỏi này hơi riêng tư, nhưng chú Osin HuyDuc có nghĩ rằng việc cho ra đời bộ sách này sẽ cản trở việc chú về thăm lại Việt Nam? Chú có ký tặng sách cho 10 câu hỏi nào có nhiều like nhất không?

Tôi nghĩ, những người đã nhận được câu trả lời thì không nên nhận sách tặng nữa! Thời gian fellowship của tôi chỉ một năm, học xong tôi sẽ về Việt Nam luôn chứ không có ý định về… thăm bạn ạ.

Con Đường Bụi Nắng xin hỏi bác Huy Đức một câu hỏi xưa như trái đất: Tiết lộ thông tin nội bộ của Đảng, Nhà nước trong cuốn sách này bác có “sợ” những điều không hay xảy ra với mình vì vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước[1] không ạ?

Tôi không nghĩ là mình nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định đó. Tôi ý thức được những gì mình đang làm. Sự thật không chỉ giúp chúng ta tìm ra phương thuốc đúng để chữa lành các vết thương cũ mà còn giúp những người đang nắm vận mệnh quốc gia không phạm các sai lầm mới. Không ai muốn hứng chịu “những điều không hay” nhưng nếu cứ trú ngụ trong sự sợ hãi thì sự thật sẽ không bao giờ được nói ra bạn ạ.

Joseph Trí Kinh Thánh có câu: “Sự thật giải thoát anh em”, phải chăng anh muốn mọi người ở các bên đang còn u mê, định kiến được giải thoát và xúc tiến một tiến trình hòa giải dân tộc đích thực?

Tôi không rõ Thiên chúa nói điều đó trong hoàn cảnh nào. Hòa giải đối với một dân tộc như Việt Nam không chỉ phải vượt qua những “định kiến, u mê” mà còn phải vượt qua biết bao đau thương cho nên chỉ “sự thật” thì chưa đủ để “giải thoát anh em”. Tuy nhiên, như tôi đã nói trong lời mở đầu cuốn sách, “không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ”, nếu bạn mong muốn có một tương lai hòa giải thì ngay bây giờ bạn phải đối diện với từng sự thật.

Jiraiya Sama Làm thế nào để sách của chú được phổ biến rộng rãi cho thế hệ học sinh, sinh viên trong nước khi họ đã và đang “được” đào tạo bởi những quyển SGK khô khan, thiếu thốn sự kiện lịch sử?

Nếu chính mình không từng là nạn nhân của những bộ sách giáo khoa khô khan, phiến diện, thì tôi đã không cố gắng để thực hiện cuốn sách này. Tôi nghĩ khả năng phổ biến của internet là đủ rộng rãi để cho bất cứ ai mưu cầu kiến thức đều có thể tiếp cận. Đó là lý do tôi chọn internet làm kênh phát hành. Hiện nay, theo các số liệu trên Amazone, Smashwords và theo những thông tin mà tôi biết được thì Bên Thắng Cuộc đang chủ yếu được đọc bởi người Việt Nam trong nước.

Tuấn Cận Bao giờ có bản free hở bác?

Như tôi đã nói trong một status, “khi quyết định tự mình đưa cuốn sách Bên Thắng Cuộc lên ‘tủ sách’ của Amazon và Smashwords, tôi muốn giới thiệu công trình nghiên cứu của mình với các bạn với tư cách là một người ghi chép sự kiện lịch sử bằng kỹ năng của một nhà báo. Việc quyết định không chuyền tay miễn phí sản phẩm này, với tôi, có một ý nghĩa quan trọng: Tôi không muốn bộ sách bị nhìn nhận như một bản truyền đơn dài, hoặc một tài liệu lén lút tìm cách đặt vào tay bạn đọc qua những kênh không chính thống”. Cách làm này đã có được sự ủng hộ rộng rãi của bạn đọc và điều đáng mừng là trong những ngày gần đây, nội dung cuốn sách đang được các bên bàn luận tới.

Tran Vu Dung mới đọc được nửa cuốn của chú, cảm nhận dưới ngòi bút của chú các lãnh đạo Bắc Việt nhu LD, VVK…đều tốt, đều hiểu và trăn trở về tình hình nội ngoại nhưng tất cả đều phải làm sai do cơ chế, do sức ép của TQ và LX… có phải chú vẫn chưa nói hết?

Tôi chỉ có thể nói hết những sự thật mà tôi biết, những sự thật mà tôi có đủ bằng chứng và có đủ niềm tin. Còn ai tốt, ai xấu là tùy thuộc vào cách cảm nhận của từng người đọc. Theo tôi, khi đánh giá một nhà cầm quyền phải đánh giá cả những ứng xử mang tính cá nhân mà đôi khi chỉ gây ảnh hướng tới những người thân và những quyết định mang tính chính sách thường gây ảnh hưởng tới toàn xã hội. Một nhà lãnh đạo có nhân thân tốt không có nghĩa là sẽ không phải chịu trách nhiệm về những gì mà ông ta đã gây ra cho nhân dân, cho đất nước.

Thuc Nguyen Bao nhiêu người đang lãnh đạo “Bên thắng cuộc” sẽ đọc quyển sách này? Họ có chấp nhận đó là sự thật, là lịch sử hay lại gọi tác giả là “phản động”? Qua quyển sách này, những người của “Bên thắng cuộc” có nhìn ra được những bước đi sai lầm để đưa dân tộc Việt đi vào đúng con đường dân chủ và phát triển mà hơn 90 triệu người Việt khắp nơi trên thế giới đã từng và vẫn đang mong ước không?

Tôi mong các nhà lãnh đạo hiện nay đọc Bên Thắng Cuộc cho dù họ đánh giá cuốn sách như thế nào. Nhận ra những sai lầm để “đưa dân tộc Việt Nam đi đúng con đường dân chủ, phát triển” là mong ước của chúng ta. Nhưng tương lai dân tộc không thể chỉ được trông cậy vào một cuốn sách hay vào chỉ trông cậy vào các nhà lãnh đạo ở “bên thắng cuộc”.

Nguyễn Đình Trị Rồi anh Osin HuyDuc sẽ có giống như những Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên… không?

Tôi không nghĩ là tôi có thể “giống” được chị Dương Thu Hương hay anh Vũ Thư Hiên. Thế hệ chúng tôi đã tự vấn rất nhiều khi đọc “Đêm Giữa Ban Ngày” của anh Vũ Thư Hiên. Còn văn chương của chị Dương Thu Hương thì tôi đọc từ khi đang là một người lính. Gần đây khi đọc lại những phát biểu vào năm 1989, 1990 của chị Dương Thu Hương (mà tôi sẽ đề cập trong cuốn II) tôi thực sự ngưỡng mộ sự hiểu biết lúc đó của chị. Hầu hết những việc làm có ý nghĩa nhất của chị Dương Thu Hương đều được tiến hành khi chị ở Việt Nam. Dương Thu Hương là một ví dụ cho thấy chúng ta có thể làm được nhiều việc từ trong nước nếu như chúng ta không sợ hãi.

[1] Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/12/1997 của Bộ Chính trị về việc “Nói và viết những vấn đề liên quan đến lịch sử và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”; Chỉ thị 48-CT/TW ngày 14/2/2005 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ bí mật của Đảng trong phát ngôn và sử dụng bảo quản thông tin, tài liệu trong tình hình mới”; Khoản 3 “Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định”, khoản 4 “Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” thuộc Điều 10, Luật Xuất bản; Điều 271 Bộ Luật Hình sự của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam “Tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác”.

Post a comment or leave a trackback: Trackback URL.

Bình luận

  • Chú Kim  On Tháng Mười Hai 20, 2012 at 2:27 chiều

    Lang thang trên mạng thất còm này của Đông La – một người thông minh nhất, giỏi nhất nên cóp cho bác Huy Đức tham khảo thêm. Bác Huy Đức quan tâm thì tìm hiểu thêm các bài viết về Bên Thắng Cuộc ở các blog của Hòa Bình, Mít-sờ-tờ-khoằm…gì gì đó mà có kẻ gộp lại gọi là đám “Bắc Cụ”!

    Trích

    THẰNG HUY ĐỨC NGU
    Tôi có gặp Huy Đức vài lần hồi Đức mới xuất hiện, không biết Đức có nhớ không nhưng tôi thì còn nhớ. Hồi ấy Đức cho biết từng là lính Cămpuchia, học trung cấp Hóa gì đó, sau này biết Đức làm báo và cũng “nổi” lắm. Nhưng tôi không đọc Đức, tôi sợ đọc rồi lại cáu lên thì lại viết, mà tôi thì thực lòng chẳng muốn “đánh” ai cả, với riêng Đức, tôi vẫn muốn giữ lại cái hình ảnh sơ giao nhưng thân tình ngày nào.

    Nhưng nay vụ Đức viết “Bên thắng cuộc” quá lớn, liên quan đến cả lịch sử dân tộc, thì không thể là chuyện quan hệ riêng tư nữa rồi, thấy dư luận cũng đã ồn ào quá. Mới chỉ đọc đoạn tự bạch “Vì sao tôi viết?” của Đức thì thật tiếc, lại buộc phải nói cái thằng này lại thuộc diện ngu rồi, khi nó viết như thế này: “Cho dù, đã kiệt quệ sau 8 năm “giải phóng”, Sài Gòn với tôi vẫn là một “nền văn minh”. Bởi sau giải phóng Đức được thấy sản phẩm của nền văn minh: “Mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe; cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra… Những chiếc máy Akai, radio cassettes… Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi”.

    Tôi bảo Đức ngu vì trong bài “mắng” cha con Huỳnh Thục Vy tôi đã viết:
    “Về sự tươi đẹp của chế độ VNCH, Huỳnh Ngọc Tuấn cũng như không ít người từng ca ngợi và hay mang ra so sánh với Bắc Việt nghèo khổ, có điều họ không hiểu rằng, đó chỉ là “lợi nhuận” của việc chống cộng mà cư dân ở những vùng đô thị miền Nam được hưởng từ việc đánh đổi bằng máu của dân Bắc bởi “chiến tranh phá hoại” và máu của dân cư vùng nông thôn. Theo “Fire In The Lake” by Frances Fitgerald, Vintage Books, New York 1985, pp. 134-139, khi viết về Diệm, tác giả cũng viết: “Đối với hắn, thế giới hiện đại là Sài-Gòn, cái thành phố ký sinh trùng đó đã trở nên béo mập bởi máu của thôn quê và lợi lộc của Tây phương. (For him, the modern world was Saigon, that parasite city that fattened from the blood of the countryside and the lucre of the West)”.

    Chắc lại phải lên mạng trèo tường lửa kiếm cái cuốn của thằng Đức đọc xem sao?

    • IndiOne  On Tháng Một 10, 2013 at 2:35 sáng

      Đây là điển hình của sự ngụy biện mập mờ.

      Trích: “… không ít người từng ca ngợi và hay mang ra so sánh với Bắc Việt nghèo khổ, có điều họ không hiểu rằng, đó chỉ là “lợi nhuận” của việc chống cộng mà cư dân ở những vùng đô thị miền Nam được hưởng từ việc đánh đổi bằng máu của dân Bắc bởi “chiến tranh phá hoại” và máu của dân cư vùng nông thôn…”

      Hình ảnh: 2 phe hăng tiết máu lửa, được sự bảo kê của những đại gia, bèn cầm mã tấu, lưỡi lê etc… all in. Một bên vừa đánh vừa nhảy đầm. Một bên được cầm đầu bởi 1 cu học chỉ hết lớp tư, xuất thân từ vùng sỏi đá cũng thành cơm và muốn biến cả nước thành sỏi đá.

      Phe sỏi đá dùng chiêu bài bịp, mị dân để giải phóng cảnh khôn khổ của phe nhảy đầm. Khi thắng cuộc thì mới hỡi ôi rằng mình đã bị lừa bởi cu Trình Ba Tư.

      Khi thấy cảnh phồn thịnh của phe nhảy đầm sau cuộc chiến, cu Trình Ba Tư ra chiêu chu choa cảnh trấn lột trần truồng của đế quốc Mẽo trên xương máu của nhân dân etc…..

      Cũng ko ít thần dân suốt kiếp nô lệ nghe có vẻ lọt tai phê lòi tĩ nên QUÊN 1 điểm. Chỉ tí nữa thì cu Trình Ba Tư phọt ra: “Ko như đế quốc Mẽo, anh bạn láng giềng 4 chữ vàng dễ thương lắm cơ. Ra sức giúp mình vô điều kiện, chỉ xin có tí đất đảo hoang thì đáng là bao.”

  • Dr. Nguyen Sy Phuong  On Tháng Mười Hai 20, 2012 at 8:36 chiều

    Tôi muốn đặt mua cuốn sách bên thắng cuộc của anh. Anh có thể gửi qua E-Mail cho tôi được không. Anh cho biết điạ chỉ hoặc tài khoản tôi sẽ cho người mang tiền tới nhà anh trả hoặc chuyển qua tài khoản. Tiền đồng hay tiền Euro đều được cả. Hết bao nhiêu xin anh báo cho tôi biết.
    Hy vọng nhận được hồi âm của anh !
    Dr. Nguyễn Sỹ Phương

    • peter  On Tháng Một 2, 2013 at 3:25 sáng

      Hello dr phuong
      Just go to amazon.com then pay for it

  • Dang  On Tháng Mười Hai 20, 2012 at 8:42 chiều

    Anh Huy Đức!
    Đọc thư trả lời của anh, tôi khâm phục ý chí, dũng cảm của anh. Vì anh sẽ về lại Việt Nam sau 1 năm nữa. Tôi cứ nghĩ, anh sẽ ở lại Mỹ luôn nên mới có một tác phẩm như vậy. Tôi chỉ nhìn nó là một minh chứng của sự thật vì suy cho cùng, dù làm gì đi nữa, chân lý cũng chỉ có một mà thôi. Tôi mong anh được bình yên và thanh thản lúc trở về vì thú thật với anh, những gì đang diễn ra hiện nay khó mà có suy nghĩ lạc quan được. Những người dám đứng lên chống lại thế lực ngoại xâm phương Bắc còn bị chà đạp, đàn áp huống chi anh, người dám vạch ra sự thật mà người ta cố tình bưng bít.
    Ở chiều ngược lại, cũng cần có ngòi bút nào có dữ kiện mà chính quyền cũ đối xử những người chống đối, tù binh. Đó mới công bằng để người sau công tâm đánh giá và tránh những sai lầm lịch sử của những người đi trước. Âu đó cũng là việc làm công tâm cho những ai muốn hòa giải thành thật.

  • IndiOne  On Tháng Mười Hai 21, 2012 at 7:58 sáng

    [1] Đây ko phải là những chỉ thị. Đây là những phán lệnh của 1 đảng cướp, 1 bạo chúa hoặc 1 độc tài với những thần dân nô lệ.

    Một ẻm muốn làm lãnh tụ, ăn lương từ tiền thuế của bá tánh nhưng ko muốn thiên hạ có quyền biết về đời tư mình. Ngang nhiên cấm tất cả những ai bật mí những bí mật đời tư.

    Ừ thì, khi em mướn 1 tài xế có 1 lý lịch là serial rapist lái xe cho vợ em đi shopping, đưa rước con cái em đi học etc…, em cũng đừng nên hỏi những bí mật thầm kín của tài xế đó.

    Hoặc em nên bỏ mộng làm lãnh tụ và chuyển nghề làm 1 anh quét đường. Chỉ có vợ em là người duy nhất biết về đời tư của em.

  • Tran Hoai Viet  On Tháng Mười Hai 22, 2012 at 11:42 sáng

    Xin phép đuọc hỏi anh HuyĐức : ” Anh Là Ai” ? Chỉ 2 bản nhạc của anh Việt Khang thôi cũng phải ngồi tù 12 năm . Cuốn sách của anh hay hơn ngàn lần 2 bản nhạc ấy !.

  • hoavaque  On Tháng Mười Hai 27, 2012 at 3:12 sáng

    Chào Anh Huy Đức!

    Ở phần “Phụ lục 1” của cuốn sách “Bên thắng cuộc” trên Kindle, tôi thấy tiêu đề ghi là: “Sự thật lịch sử về tăng 390 và tăng 384”. nhưng ở nhiều chỗ khác trong phần nội dung cũng như trong phần phụ lục là 843. Chắc đây là một lỗi typo, Xin báo anh biết để anh xem lại.

    Cám ơn Anh đã cho ra đời một cuốn sách rất bổ ích!

    Chúc Anh sức khỏe!

    Lê Lam

  • hahien  On Tháng Một 1, 2013 at 8:23 chiều

    Đã đọc Cuốn 1 (Giải Phóng) của anh qua một bản thảo mà một người bạn gửi (nhưng nhất định sẽ tìm mua sách của anh). Có một sự kiện không thể không nhớ liên quan đến “Phương án II” đưa người vượt biên bán chính thức là vụ đại tá Giám đốc CA Đồng Nai Nguyễn Hữu Giộc (Mười Vân) bị xử bắn (theo báo chí VN thì có liên quan đến cả vợ bé ông Thiệu là bà Kim Anh) nhưng không thấy anh nhắc đến trong cuốn sách. Không biết anh có thông tin gì khác so với những gì báo chí chính thống đã đăng về vụ này?

    Rất vui vì lại được đọc anh ở WordPress.

  • Trần Văn Khánh  On Tháng Một 9, 2013 at 3:57 chiều

    Huy Đức ơi, viết về ngày 30/4/1975, sự thật đúng sai thế nào, có sự hiểu lầm ra sao, sao không giải trình, lại xóa bình luận của tớ đi, nên giả trình cho rõ sự thât thì hơn, Đức ạ !

  • phong  On Tháng Tư 29, 2013 at 3:34 sáng

    Nhận diện nhóm lợi ích
    Tác giả: Tư Hoàng
    Bài đã được xuất bản.: 28/04/2013 02:00 GMT+7

    Recomend
    +1

    Red

    In
    Email
    Thảo luận

    TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm)

    Nhận diện nhóm lợi ích
    Châu Âu ngày càng cần Trung Quốc
    Hành động cuối cùng ‘ép’ Thiệu ký hòa ước
    Sự kiện 1975 và học thuyết sụp đổ từ từ

    Tình trạng quan chức thông đồng với doanh nghiệp để vụ lợi ngày càng nhiều, có dấu hiệu trầm trọng hơn trong tất cả các lĩnh vực.

    “Hiện tượng giàu lên rất nhanh, có nhiều nhà đất và có khối lượng lớn về tài sản, tiền bạc của một số cán bộ có chức, có quyền trong một số cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng càng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân không khỏi nghi ngại là có việc làm ăn, có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, đó là nhận định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng trong một đề tài nghiên cứu mới đây, được công bố hồi đầu tháng 4 tại Đà Nẵng.

    Những hình ảnh về “khu dinh cơ đồ sộ” của nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô được báo chí đăng tải gần đây đã gây bão trong dư luận. Khu dinh cơ là sự tương phản gay gắt với cuộc sống của phần lớn người dân đang sống dưới ngưỡng đói nghèo ở tỉnh miền núi xa xôi này. Đã không có lời giải thích nào được chủ nhân đưa ra, song, nếu có cũng sẽ không thuyết phục. Hà Giang vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào ngân sách trung ương, còn nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn đang là nạn nhân của thời kỳ “đại công trường” của tỉnh này chỉ vài năm trước. Bằng cách nào mà vị cựu quan chức có thể xây một dinh cơ như vậy?

    Câu chuyện trên chỉ là một trong danh sách dài các câu chuyện không có hồi kết về cuộc sống xa hoa của rất nhiều người sau khi nghỉ hưu, hay thậm chí còn đương chức. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ghi nhận hiện tượng này trong một đề tài nghiên cứu: “Trong khi mặt bằng kinh tế chung còn thấp mà trong xã hội có một số người chơi ngông, xài sang hơn cả ở các nước phát triển thì đó là điều khó chấp nhận, đa phần là những người có được nhiều tiền nhờ sự kiếm chác một cách khuất tất, mờ ám… Thói hưởng lạc, sống gấp, hợm hĩnh, vênh vang về đồng tiền có được của không ít người là nhờ các mối quan hệ không bình thường với cán bộ, đảng viên có chức, quyền trong các cơ quan công quyền, hoặc có thể là do tham nhũng, ăn cắp, nhận hối lộ”. “Hiện tượng giàu lên rất nhanh, có nhiều nhà đất và có khối lượng lớn về tài sản, tiền bạc của một số cán bộ có chức, có quyền trong một số cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng càng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân không khỏi nghi ngại là có việc làm ăn, có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”.
    Sân golf Đồi Cù, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Kinh Luân/ TBKTSG
    Đề tài nghiên cứu trên nhận xét, kể từ khi đổi mới vào năm 1986 đến nay, nạn tham nhũng của quan chức tăng lên rất nhanh, trong đó gần 32% liên quan đến doanh nghiệp. Tình trạng quan chức thông đồng với doanh nghiệp để vụ lợi ngày càng nhiều, có dấu hiệu trầm trọng hơn trong tất cả các lĩnh vực. Ủy ban Kiểm tra Trung ương liệt kê hàng loạt các hình thức sau.

    Nhóm thân hữu. Ở Việt Nam hiện nay các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến nhóm lợi ích trong việc vận động điều chỉnh chính sách. Không có bằng chứng pháp lý về nhóm thân hữu, nhưng trong thực tế, xung quanh một số nhân vật chủ chốt có vai trò quan trọng trong các quyết sách về kinh tế của Nhà nước đã thấp thoáng sự hiện diện của các doanh nhân thuộc các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Thậm chí, có một số tin đồn rằng, doanh nhân nào đó có thể dễ dàng ra vào nhà của một số nhân vật có quyền lực ở trung ương và địa phương. Nhóm thân hữu manh nha này có quan hệ hai chiều trong việc quan chức dàn xếp để doanh nghiệp nhận được ưu đãi, ngược lại, doanh nghiệp hoặc là đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của quan chức, hoặc là cung cấp cho bản thân quan chức các phương tiện để có thể leo cao hơn, để lo lót, chạy chọt khi doanh nghiệp phạm sai lầm và cung phụng cho những người thân thiết của quan chức. Đã xuất hiện hiện tượng các doanh nghiệp bao cấp cho một số quan chức các dịch vụ như chơi golf, du học, du lịch.

    Nhóm chung lợi ích. Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra trích dẫn khảo sát năm 2012 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức, theo đó có tới 40% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận họ có sử dụng quan hệ với quan chức để vụ lợi, và 43% không có ý kiến gì về vấn đề này. Hơn 19% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận sử dụng hối lộ để đạt mục đích. Các cơ quan mà nhóm này hướng đến là các ủy ban nhân dân, các cán bộ quản lý ngành.

    Nhóm lợi ích cục bộ. Nhóm cán bộ thoái hóa trong các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng quyền lực của nhóm để ăn chia với doanh nghiệp. Chẳng hạn, vụ án tham nhũng xảy ra tại trạm kiểm soát liên ngành Đồng Bành, Lạng Sơn. Tại đây, nhóm cán bộ công chức đã câu kết với doanh nhân bớt xén tiền thuế chia nhau và dùng tiền đó để hối lộ cấp trên nhằm thăng chức và trụ lại trạm lâu hơn. Không ít cán bộ ở trạm này đã lên chức trạm trưởng, trạm phó, phó phòng nghiệp vụ cục thuế tỉnh. Một số cán bộ ở cục thuế giữ quyền ăn chia bằng cách đề xuất với ủy ban nhân dân luân chuyển cán bộ tại trạm ba tháng một lần, ra văn bản thu mức thuế thấp hơn quy định, bố trí người tại trạm để thu “quả” thực…

    Quan chức sử dụng doanh nghiệp nhà nước để vụ lợi. Doanh nghiệp nhà nước có vị trí rất đặc biệt, quản lý khối tài sản khổng lồ, không đi kèm trách nhiệm giải trình cao nên khu vực kinh tế này là đầu mối để nhiều quan chức thiết lập các đường dây vụ lợi cho mình. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng quan chức tạo ô dù để bổ nhiệm những người thân tín vào các vị trí chủ chốt. Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã chuyển cho một số quan chức các cổ phần béo bở đứng tên những người tin cẩn của quan chức. Quan chức nhờ người khác đứng tên kết hợp với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thành lập các công ty tư nhân hoặc liên doanh, sau đó sử dụng doanh nghiệp nhà nước để đẩy các hợp đồng béo bở cho doanh nghiệp của họ nhằm thu lợi lớn. Quan chức che chắn để cán bộ quản lý doanh nghiệp làm sai quy định như mua bán tài sản không minh bạch để nhận hối lộ của bên cung cấp rồi chia nhau, tài trợ cho quan chức đi nước ngoài bằng chi phí của doanh nghiệp nhà nước…

    Vụ lợi cá nhân. Khá nhiều cán bộ, công chức của Việt Nam đã chủ động đòi hối lộ mới giải quyết công việc, hoặc thực hiện sai chế độ chính sách có lợi cho doanh nghiệp hối lộ. Khảo sát năm 2012 của Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện cho thấy có gần 16% cán bộ công chức thừa nhận bắt gặp hành vi của cán bộ, công chức gọi điện, viết thư tay can thiệp nhằm mưu lợi cho người thân trong 12 tháng qua; gần 22% cán bộ, công chức bắt gặp hành vi của cán bộ, công chức khác cố tình gây khó khăn khi giải quyết công việc để đòi hối lộ. Theo số liệu của Bộ Công an, trong số những người phạm tội hối lộ, cán bộ công chức chiếm đa số, hơn 65%.

    Gây phiền hà cho doanh nghiệp để đòi tiền hối lộ. Tình trạng này là tương đối phổ biến. Cuộc khảo sát nói trên cho thấy, 5% số doanh nghiệp cho biết họ nhận được đề nghị bán, cho thuê tài sản giá rẻ, 5% nhận được đề nghị tài trợ tham quan, chi tiêu cá nhân, 8% nhận được đề nghị tuyển dụng họ hàng của công chức, 15% nhận được đề ghị tặng quà.

    Bảo kê cho các hoạt động phi pháp. Bảo kê của những người có chức quyền cho doanh nghiệp buôn lậu; hay bảo kê đối với các hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy, gỗ lậu; hay bảo kê cho các nhóm người sử dụng đất công để trông giữ xe, làm dịch vụ.

    Ngoài ra, còn có các hiện tượng quan chức hưởng hoa hồng vượt quá mức quy định công khai trong hợp đồng, hay lợi dụng thông tin công vụ để vụ lợi. Các thông tin sớm thường là thông tin quy hoạch đất, xây dựng và cải tạo đường giao thông, đô thị, dự án khu đô thị mới, dự án đầu tư công.

    Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, hiện tại, một số doanh nghiệp còn tổ chức một bộ phận trực thuộc giám đốc hoặc hội đồng quản trị với chức năng duy nhất là duy trì và mở rộng quan hệ với chính quyền và cán bộ, đảng viên của chính quyền đó.

    Từ những hình thức trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận xét, một số cán bộ, đảng viên có chức, quyền đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, câu kết, làm sân sau cho một số doanh nghiệp để trục lợi, hình thành các “nhóm lợi ích” không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, thậm chí có doanh nghiệp còn bỏ tiền mua phiếu cho quan chức lên vị trí cao hơn…

    Ủy ban lo ngại rằng, bản chất mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi là một dạng tham nhũng đặc biệt, dẫn đến lợi ích nhóm có thể chi phối cả nền kinh tế, thậm chí là chính trị. Mối quan hệ không bình thường tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, bóp méo các chính sách của Nhà nước, thay vì ban hành để phục vụ lợi ích của đại bộ phận nhân dân, nó lại quay sang chỉ để phục vụ một số ít doanh nghiệp, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư chân chính.

    Theo Tư Hoàng/ TBKTSG
    (tuanvietnam.net)

    Bài viết của ông Nguyễn Quang A về vấn đề đất đai trong Hiến pháp vừa bị báo Lao Động Cuối tuần từ chối đăng, và cũng khép lại hơn sáu năm cộng tác giữa hai bên.

    Tiến sỹ Quang A xác nhận với BBC về sự việc trên, và nói có thể những đồn đoán trên mạng xã hội về ‘lệnh miệng’ của ông Đinh Thế Huynh là đúng.

    Ông Quang A cũng nói về mối nguy hiểm đối với nhà cầm quyền khi dùng cách đè nén ngôn luận thay vì thẳng thắn trao đổi, và cho rằng, chính quyền càng làm như vậy thì “sự kết liễu của chế độ toàn trị sẽ xảy ra sớm hơn”, và cái giá phải trả sẽ rất cao.
    (bbcvienamese.com)

Trackbacks

Bình luận về bài viết này